Khi bạn đặt chân tới một đất nước hoàn toàn xa lạ để sinh sống và làm việc thì bất cứ một du học sinh nào cũng đều bỡ ngỡ, lo lắng không biết phải làm thế nào để có một chỗ ở hợp lý. Ở Nhật, để thuê được căn hộ ưng ý và tiện dụng, các bạn du học sinh mới sang nên tham khảo ý kiến từ thầy cô, đồng nghiệp, bạn bè hay người thân người Nhật hoặc các senpai đã có kinh nghiệm sống lâu năm ở nhật Bản. Dưới đây là một số thông tin lưu ý khi thuê nhà tại Nhật Bản các bạn du học sinh có thể tham khảo qua nhé!
1. Những thuật ngữ khi mô tả việc thuê nhà ở Nhật
Thay vì sử dụng các từ như Studio hay căn hộ 1 phòng ngủ, hai phòng ngủ, người Nhật thường quy định những loại phòng theo ký tự hoặc chữ cái khác nhau nhằm phân biệt và dễ mô tả trên các trang môi giới:
– R : ROOM (Phòng)
– K : KITCHEN (Bếp)
– L : LIVING ROOM (Phòng khách)
– D : DINING ROOM (Phòng ăn)
Các Loại Phòng
1R là loại phòng đơn có bếp và phòng ngủ chung nhau, phù hợp với các đối tượng:
– Muốn giảm thiểu tiền thuê nhà
– Có ít đồ đạc
– Ít tự nấu ăn tại nhà
– Ít khi ở nhà, chủ yếu về để ngủ bơi phòng chỉ trang bị những thiết bị cần thiết
1K là loại phòng đơn có bếp và phòng ngủ tách biệt, phù hợp với các đối tượng:
– Đề cao sự riêng tư
– Thường xuyên nấu nướng
– Muốn sử dụng thêm một số thiết bị
1DK là căn 2 phòng gồm 1 phòng ngủ và 1 phòng bếp, phù hợp với các đối tượng:
– Muốn không gian ăn uống tách biệt hoàn toàn với phòng ngủ
– Thường xuyên nấu nướng (vì khu bếp rộng hơn loại 1R/1K)
– Có khá nhiều đồ đạc
– Có nhu cầu trang trí nội thất
1LDK là căn gồm có 1 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 phòng ăn rộng, phù hợp với các đối tượng:
– Sống chung với bạn bè, cặp đôi hoặc vợ chồng trẻ
– Muốn tận hưởng không gian sống đầy tiện nghi và tách biệt từng phòng
– Có nhiều đồ đạc
– Có nhu cầu trang trí nội thất
2. Tìm Được Nhà Tại Nhật Bằng Cách Nào?
Đối với các bạn du học sinh mới sang, một thân một mình ở Nhật, chưa có mối quan hệ thân quen nào để nhờ vả, chưa hiểu biết nhiều về những thủ tục khi thuê nhà, có những khoản tiền nào,… Lúc này, các bạn sẽ tìm trên internet, facebook,… những công ty bất động sản Việt Nam uy tín tại Nhật chỉ với những từ khóa đơn giản như ” thuê nhà tại Nhật, Tìm nhà Tokyo,…” Ưu điểm của các công ty bất động sản này là công ty của Việt Nam nên một số bạn mới sang còn lo lắng về trình độ tiếng Nhật thì các bạn vẫn có thể yên tâm trong quá trình làm hồ sơ thuê nhà vì có hệ thông tư vấn viên hỗ trợ nhiệt tình cho các bạn.
3. Các Thủ Tục Khi Đi Thuê Nhà Ở Nhật
3.1. Khi đi thuê nhà ở Nhật, cần phải có các loại giấy tờ sau:
– Hộ chiếu, thẻ ngoại kiều, thẻ học sinh (đối với các bạn còn đi học)
– Sổ lương (đối với người đi làm)
Lưu ý: Ngoài ra, một số công ty hoặc chủ nhà sẽ yêu cầu chứng minh tài chính. Một vài công ty bảo lãnh sẽ cần người Nhật làm bảo lãnh để liên hệ khi cần thiết nên những bạn nào tiếng Nhạt chưa được tốt thì có thể nhờ tới các công ty tư vấn bất động sản, các công ty bảo lãnh không cần người Nhật.
3.2. Quy trình làm hồ sơ
Sau khi bạn lựa chọn được một căn nhà ưng ý, phù hợp với những tiêu chí bạn cần, công ty sẽ dẫn bạn đi xem nhà trực tiếp. Mỗi lần cố thể xem 2 đến 5 nơi nên các bạn cân nhắc cho kĩ. Nếu đồng ý một trong những căn hộ đó, bạn sẽ được làm hồ sơ.
Thông tin cá nhân mà bạn cung cấp sẽ được gửi cho phía công ty quản lý và công ty bảo lãnh sẽ gọi điện kiểm tra thông tin cá nhân của bạn bằng tiếng Nhật (đối với những công ty của Nhật Bản) hoặc tiếng mẹ đẻ (đối với các công ty không cần người Nhật làm liên hệ hoặc bảo lãnh).
Sau khi điều tra xong quá trình thuê nhà, nếu được sự chấp thuận của chủ nhà, công ty quản lý và công ty bảo lãnh sẽ tiến đến việc kí hợp đồng. Thông thường tại Nhật Bản thì hợp đồng thuê nhà thường kéo dài trong 2 năm. Sau 2 năm, nếu bạn tiếp tục thuê thì sẽ phải trả thêm một khoản phí để kéo dài hợp đồng được gọi là “koushinhi”. Khoản phí này sẽ bằng giá tiền một tháng thuê nhà hoặc có thể ít hơn tùy vào chủ nhà. Trường hợp đã ký hợp đồng 2 năm, mà chưa hết hợp đồng nhưng bạn muốn chấm dứt hợp đồng. Do bạn có việc đột xuất, không muốn tiếp tục hợp đồng thì phải báo trước hơn 1 tháng cho phía nhà môi giới bất động sản. Lúc này tùy theo hợp đồng lúc đầu thỏa thuận mà bạn có phải bồi thường tiền cho việc đơn phương chấm dứt hợp đồng hay không.
4. Các Khoản Tiền Cần Thanh Toán Khi Đi Thuê Nhà Ở Nhật
Khác với Việt Nam, chi phí phát sinh ban đầu khi thuê nhà ở Nhật (thường gọi là tiền vào nhà). Vậy tiền đầu vào bao gồm các loại tiền gì thì dưới đây ST HOUSING xin liệt kê chi tiết để các bạn nắm được khi thuê nhà nhé.
– Tiền đặt cọc: Đây là khoản tiền chủ nhà giữ để sử dụng làm chi phí vệ sinh nhà, chi phí sửa chữa nhà. Tùy vào mức độ hư hại của nhà mà tiền đặt cọc sẽ bị trừ hết hoặc được trả lại một phần. Tiền đặt cọc thường bằng 1-2 tháng tiền nhà.
– Tiền lễ: Tiền lễ là tiền đưa cho chủ nhà, thường là 1-2 tháng tiền nhà như là một cách chào hỏi, cám ơn chủ nhà vì đã cho mình thuê nhà. Không phải chủ nhà nào cũng lấy khoản tiền này. Khoản tiền này sẽ không được trả lại sau khi bạn kết thúc hợp đồng.
– Phí môi giới: Là khoản phí trả cho công ty bất động sản, thường là 1 tháng tiền nhà.
– Tiền thuê nhà: Trong giá nhà có thể sẽ bao gồm cả phí quản lý hay phí dịch vụ chung hàng tháng (ở Nhật sẽ có các công ty đứng ra quản lý thay cho chủ nhà nên sẽ mất tiền phí quản lý hàng tháng), thường bạn sẽ phải trả trước 1 tháng tiền nhà.
– Phí bảo hiểm: Khi thuê nhà, các bạn cần phải tham gia bảo hiểm hoả hoạn để phòng khi có sự cố xảy ra do hoả hoạn, lũ lụt. Chi phí trong 2 năm khoảng 20,000 yên. Các bạn cần phải thanh toán mỗi lần gia hạn hợp đồng thuê nhà.
– Công ty bảo lãnh: Nếu bạn không có người bảo lãnh tại Nhật, bạn phải thuê công ty bảo lãnh đứng ra bảo lãnh cho mình và phải trả phí bảo lãnh. Chi phí cho công ty bảo lãnh vào khoảng 50% ~ 120% tiền nhà. Người thuê nhà có thể lựa chọn công ty bảo lãnh nhưng khi ký hợp đồng cần phải đạt được việc kiểm tra về công ty bảo lãnh.
– Phí thay ổ khóa mới: Để đảm bảo an toàn cho bạn phòng trường hợp có ai có chìa khóa của ổ khóa cũ. Chi phí khoảng 10,000 ~ 20,000 yên.
– Phí vệ sinh: Khi các bạn chuyển vào thì căn nhà sẽ rất sạch sẽ và có thể ở luôn mà ko phải vệ sinh nữa vì thế khi các bạn chuyển đi thì công ty quản lý hay chủ nhà sẽ thu 1 khoản để vệ sinh nhà cho khách tiếp theo. Khoản phí này, được thu khi bạn bắt đầu vào nhà khoảng 1 tháng tiền nhà.
5. Lưu ý Khi Dọn Vào Ở
Đây là bước cuối cùng trong quá trình thuê nhà ở Nhật và bạn cần lưu ý chỉ nên sử dụng những đồ vật nhỏ nhẹ, ít cần di chuyển bởi tại Nhật chủ yếu sử dụng vật liệu xây dựng mỏng nhẹ. Nếu những món đồ nặng như ghế gỗ, bàn gỗ thường xuyên bị xê dịch rất dễ gây ra tiếng động khó chịu cho những nhà xung quanh, đặc biệt khi căn hộ của bạn ở trên các nhà khác. Một vài lưu ý khác bạn cần ghi nhớ như sau:
- Hạn chế tiếng ồn khi sắp xếp đồ đạc
- Giữ căn phòng/căn hộ luôn gọn gàng, sạch sẽ
- Hạn chế sử dụng đồ nặng phải di chuyển thường xuyên
- Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của chủ cho thuê
- Đóng tiền nhà đúng hạn